Tôi được dịp gặp Chị Nguyễn Thị Nga, hiền
thê của Cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả của nhạc phẩm bất hủ “Nắng
Chiều” vào cuối Tháng Tám, 2006 ở Nam Cali. Chị cho biết một vài chi
tiết về nguồn cảm hứng của tác giả Lê Trọng Nguyễn khi sáng tác nhạc
phẩm “Nắng Chiều” cùng cuộc đời sự nghiệp âm nhạc của Cố Nhạc Sĩ Lê
Trọng Nguyễn.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh năm 1926 tại
Điện Bàn, Quảng Nam rất hiếu học về văn hóa và rất thích âm nhạc, nên
ông đã tự học âm nhạc. Ông lớn lên trong một gia đình với mẹ, cha mất
sớm. Ông có hai người em và một người em đã mất sớm. Chị Nga làm việc
cho hãng Hàng Không VN và Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn vì công vụ thường vào
Nam bằng hãng Hàng Không này, nên hai người gặp nhau. Cả hai vợ chồng có
được bốn cháu, ba gái một trai, các cháu rất yêu thích âm nhạc.
Về âm nhạc thì đa số các nhạc sĩ hồi
trước đều khởi đầu bằng cách tự học, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tự học âm
nhạc qua sách vở của Pháp và ông học hàm thụ và tốt nghiệp ở Ecole
Universelle trường âm nhạc Pháp.
Ông thường liên lạc với nhà trường, đây
là cơ hội học hỏi, phát triển âm nhạc Pháp và Việt. Ông thường gởi tác
phẩm sang Pháp để lấy ý kiến và trau dồi thêm về kỹ thuật viết nhạc.
Đến
khoảng năm 1952 thì Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã có nhạc phẩm như “Sóng
Đà Giang”, tác phẩm này đưa ông đến sự thành công là một nhạc sĩ Pháp
đã chấp nhận ông vào Hội Nhạc Sĩ Pháp S.A.C.E.M.. Đây là bước đầu tiên
và ông tiếp tục trau dồi âm nhạc.
Khoảng năm 1946 ông gia nhập vào kháng
chiến chống Pháp yêu nước, tác phẩm đầu tiên là “Ngày Mai Trời Lại
Sáng” sáng tác năm 1946. Bản này là kỷ niệm của thời thanh niên yêu
nước và lúc đó ông là Liên Đoàn Trưởng Liên Khu 5. Từ năm 1953 đến năm
1959 có nhiều tác phẩm được ra đời như là nhạc phẩm “Nắng Chiều”, “Bến
Giang Đầu”…
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có lần đến Cung
Nội Huế do sự hướng dẫn của Nhạc sĩ Vũ Đức Duy, nơi đó Nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn gặp một người bạn đã thân quen từ trước, trong giây phút đầy
xúc cảm đó, trong sân nắng của Cung Nội Huế, nhạc phẩm “Nắng Chiều”
được sáng tác.
Trong dòng nhạc của Nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn trước năm 1975, tác phẩm nổi tiếng nhất là “Nắng Chiều”, nhưng
theo tác giả thì bản được yêu thích nhất là “Sao Đêm” và “Lá Rơi Bên
Thềm”. Bản “Sao Đêm” có nét nhạc cổ điển Tây Phương. Nội dung bản này
cho thâý một sự đam mê, lãng mạn. Về nguồn cảm hứng sáng tác nhạc phẩm
“Nắng Chiều”, Chị Nga cho biết tác giả đã nói với các bạn thân rất nhiều
về “Nắng Chiều”. Một trong những người bạn là nhà thơ Trúc Chi. Nhạc sĩ
Lê Trọng Nguyễn nói với Trúc Chi là nhiều người tuởng ông viết bài này
ở Hội An, nhưng theo sự ghi lại của nhà thơ Trúc Chi trên Diễn Đàn Âm
Nhạc thì Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã ghi lại nhiều cảnh đẹp ở Hội
An, những cảm xúc, mơ ước, tình yêu tuổi trẻ trong âm nhạc của ông,
nhưng bản “Nắng Chiều” được nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác tại Cung
Nội Huế
Nguồn
cảm hứng để viết nên bản “Lá Rơi Bên Thềm” là cuộc sống đầu đời của
ông, trong đó có Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và một số người thân như Cô Minh
Trang, Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tác giả kể
lại, theo ông nhà thờ Huyện Sĩ rất nhỏ nhưng là nơi đẹp nhất. Khi qua
nhà thờ Huyện Sĩ ông đã viết bài “Chiều Bên Giáo Đường” vì ông đã có
một kỷ niệm đẹp ở nơi này.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng đã cùng nhạc sĩ Nguyễn Hiền ghi lại những cảnh đẹp thiên nhiên Huế qua bản “Lá Rơi Bên Thềm”.
Biến cố năm 1975 đưa chúng ta đến một
khúc quanh lịch sử không may nhưng đó cũng là nguồn cảm hứng để các nhạc
sĩ sáng tác nhiều nhạc phẩm có giá trị. Sau năm 1975, tình cảm văn
nghệ giữa những người nghệ sĩ còn ở lại như Mai Thảo, Phạm Đình Chương
và Lê Trọng Nguyễn đã bộc phát, thương nhau như anh em. Sau đó Mai Thảo
và Phạm Đình Chương ra đi (hải ngoại), Lê Trọng Nguyễn rất thương nhớ
bạn, từ nguồn cảm hứng đó Ông đã viết bản “Sóng Nước Viễn Phương”, bản
nhạc này phổ từ một bài thơ của Thẩm Oánh viết cho các bạn đã ra đi .
Về bản nhạc “Bến Giang Đầu” thì một nhà
xuất bản đề nghị đổi tên là “Nắng Chiều 2” , nhưng Nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn không muốn đổi, vì nó là một kỷ niệm dễ thương khác của ông. Ở
một thôn xóm đẹp, nên thơ, bên dòng sông và giàn hoa tím, một người
bạn gái đã lên xe hoa.
Khoảng năm 1958 có một đoàn nhạc Nhật
Bổn Toho Geino sang VN, đoàn nhạc Nhật Bổn muốn ca sĩ của đoàn hát một
số nhạc của VN. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đưa ra mười hai bản nhạc và bản nhạc
“Nắng Chiều” được đoàn nhạc Nhật Bổn chọn. Ca sĩ Midori Satsuki là một
ca sĩ Nhật rất nổi tiếng, đã trình bày nhạc phẩm “Nắng Chiều” bằng tiếng
Nhật lần đầu tiên tại Hội Chợ Thị Nghè, và sau đó một tuần lễ bản
“Nắng Chiều” được phát trên các Đài phát thanh Việt Nam và cả Đài Đông
Kinh.
Đến năm 1960 thì Đoàn nhạc Trung Hoa Dân
Quốc đến Việt Nam với mục đích trao đổi văn hóa Á Châu. Trong đoàn nhạc
Trung Hoa Dân Quốc hồi đó có Nữ Ca sĩ Ki Lo Ha, không hề quen biết với
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nhưng đã biết nhạc phầm “Nắng Chiều”, sau đó
muốn gặp Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và trên đường trở về Đài Loan bà viết
lại bản “Nắng Chiều” bằng lời Hoa. Bản nhạc này Bà đã trình bày tại Đài
Loan và sau đó trong một thập niên bản nhạc được giải thưởng và mệnh
danh là “Bản Tình Ca Đẹp Nhất” trong thập niên 1970 ở Đài Loan.
Trong
thời gian gần đây, nhà thơ Du Tử Lê và Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền đã khuyến
khích gia đình chị Nga thực hiện một CD và ra mắt CD này vào buổi
tưởng niệm Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn, năm 2005. Sự khuyến khích của Nhạc
sĩ Nguyễn Hiền và Nhà Thơ Du Tử Lê là động cơ thúc đẩy mạnh cùng với sự
giúp đỡ tận tình của một nhóm anh em, Tuyển tập Nhạc của Lê Trọng Nguyễn
được ra đời cùng hai CD “Lê Trọng Nguyễn Collection” và “Lá Rơi Bên
Thềm”.
Về hoài bão của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn,
thì ông muốn để lại cho đời những gì ông hiểu biết, những gì ông cảm
nghĩ và ghi lại trong ba bốn chục tác phẩm. Rõ ràng nhất là ông muốn để
lại cho thế hệ sau những hiểu biết, làm thế nào để có thể viết nhạc,
sáng tác nhạc. Hoài bảo này đã được thể hiện rất kiên nhẫn từ năm 2000
đến 2003. Nhạc sĩ đã tâm nguyện và ghi lại những hiểu biết về sáng tác
nhạc để lại cho thế hệ mai sau qua một cuốn sách, tựa đề là “Nghệ
Thuật Viết Nhạc”.
Quyễn sách được chuẩn bị xong, ông đưa
cho cô con gái là Lê Minh Thư đem đi đánh máy, có nhiều chỗ cần sửa lại
cho đúng thì ông bị trở bệnh nặng và ra đi. Có thể quyển sách sẽ được
xuất bản trong một thời gian gần đây.
Qua những bản “Nắng Chiều”, “Bến Giang
Đầu”… chúng ta cảm thấy ở tác giả một tình yêu nhẹ nhàng trên quê hương
xinh đẹp. Qua ca khúc “Lá Rơi Bên Thềm” và “Chiều Bên Giáo Đường”,
chúng ta cảm thông được những thao thức của tuổi trẻ. Với “Tìm Nơi Em”,
“ Sao Đêm” và “Cung Điện Buồn” tác giả trải bày tâm sự với nỗi u
hoài, nhung nhớ, những hoài niệm không nguôi.
Cố Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã ra đi và đã
để lại cho vườn hoa âm nhạc VN nhiều bông hoa hương sắc thắm tươi, đóng
góp một phần không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật dân tộc.
No comments:
Post a Comment