Tiếp nối loạt bài xung quanh chủ đề nhạc sến, PV trò chuyện với nhạc sĩ
Thanh Sơn- tác giả 'Nỗi buồn hoa phượng' cùng nhiều bài hát nổi tiếng
trong dòng nhạc trữ tình quê hương. Thanh Sơn sinh 1938 tại Sóc Trăng,
nguyên biên tập viên Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Ông nghỉ hưu 5 năm
nay.
Âm nhạc của ông được gọi là nhạc vàng?
Không, trong này không gọi là nhạc vàng, nhạc sến gì hết. Chữ nhạc vàng,
nhạc sến xuất hiện sau 1975. Trước đó tụi tôi trong Sài Gòn gọi là nhạc
tình cảm, bây giờ gọi là nhạc trữ tình đấy.
“Sến” xuất phát từ chữ Mari Sến- là cô gái gánh nước thuê, làm mướn
trước 1975. Một số nhạc sĩ Sài Gòn ghép vào cho nhạc cũ của Sài Gòn với ý
miệt thị. Trước chúng tôi hơi bực mình vì chuyện đó. Sau này rất hãnh
diện. Chúng tôi là tác giả những bài nhạc đó. Hỏi tám mươi mấy triệu dân
Việt Nam thích nhạc nào? Nghe nói dân Hà Nội sau này cũng thích loại
nhạc đó. Loại nhạc đó có tội tình gì đâu mà bảo nó sến?
Những năm 1960, ở Sài Gòn có những đĩa hát đóng mác “nhạc vàng”, thực chất là thế nào thưa ông?
Tôi cũng không biết. Nhưng nhạc vàng nghĩa là cái hiệu “nhạc vàng” chứ
không phải chỉ một dòng nhạc. Đúng ra âm nhạc đó xuất phát từ miền Bắc.
Chính người Bắc di cư 1954 đem vào. Chứ Sài Gòn lúc đó chỉ có một số
người nhà giàu mới học nhạc, học piano thôi, ít sáng tác lắm. Lúc đó,
chỉ Hà Nội mới có phòng trà, có ban nhạc. Người Sài Gòn gọi âm nhạc
người Bắc đưa vào là âm nhạc cải cách. Thấy nhạc đó hay quá, dân Sài Gòn
mới bắt đầu sáng tác, chơi nhạc. Tân nhạc phát triển mạnh lên.
Và người Sài Gòn đã làm ra một dòng nhạc rất đặc trưng cho tâm hồn Nam Bộ?
Người Nam nhiễm cải lương 80-90%. Như mấy bài của tôi ảnh hưởng cải
lương rất nhiều. Thành thử nghe qua có chất ngũ cung ở trong. Nhạc Sài
Gòn mấy người nói là ủy mị, não lòng này nọ. Hổng phải, do ảnh hưởng cải
lương. Trong Nam hay bị nói nhạc sến. Chứ nói về xứ Huế, miền Trung lại
không bị coi là nhạc sến. Mà chính mấy bài đó sến luôn (cười)
Ông có bao giờ thử sáng tác khác mình đi, không ngũ cung, không bolero?
Có chứ. Tôi viết 1-2 bài, cho người ta biết là tôi cũng biết viết. Còn
nhạc Tây phương 7 nốt mình sáng tác dễ quá. Cái khó nhất là ngũ cung.
Hiện giờ ngoài Bắc tôi phục nhất ông Phó Đức Phương, ngũ cung hay lắm.
Trong Nam chỉ có ba người: ông Bắc Sơn, ông Vũ Đức Sao Biển với tôi sáng
tác nhạc ngũ cung nhiều thôi. Nhiều nhạc sĩ trong Nam muốn sáng tác
nhạc ngũ cung, nhưng do không nghiên cứu, thành thử không biết viết.
Còn ông dùng ngũ cung một cách tự nhiên?
Tôi là người miền Nam rặt. Mấy mươi năm về trước, tôi thân với mấy anh
chị bên cải lương. Đoàn cải lương đi tôi đi theo coi. Cải lương nhiễm
vào máu tôi rồi. Một bài cải lương tôi lấy ra một câu hai câu, tự phát
triển thêm. Tôi cũng rất thích chầu văn, ca trù, nhất là quan họ. Sau
1975, tôi mới nghe nhiều qua băng đĩa. Bài Quê hương ba miền, tôi làm
đoạn đầu là Bắc, ở giữa là Trung, đoạn thứ ba là nhạc trong Nam.
Giai đoạn nhạc trữ tình bolero thoái trào, cuộc sống của ông có khó khăn gì không?
Không. Tôi chuyển qua nhạc quê hương liền, tức là ảnh hưởng dân ca Nam Bộ.
Thực ra là chỉ khác về lời, chứ tinh thần âm nhạc vẫn thế?
Vẫn thế thôi. Lời khác, giai điệu khác đi, nhưng cũng xuất phát từ
bolero. Quanh đi quẩn lại cũng vậy. Bolero là một nhịp trong âm nhạc,
chứ nó có tội tình gì đâu.
Nhạc sĩ từng nói còn sống còn sáng tác, rất tiếc là tác quyền bây giờ
không cao như những năm 1960, khi ông viết nhạc mà mua được nhà được xe?
Không, từ khi có hội bảo vệ tác quyền đỡ lắm. Cuộc sống khá hơn. Khi chưa có hội tác quyền, tháng tôi thu nhập 5 triệu, giờ hơn.
Ít khi nghe nhạc sĩ nói hài lòng về tiền tác quyền như ông?
Những người không hài lòng họ sáng tác rất ít, hoặc bài của họ không được sử dụng nhiều.
Chứng tỏ dòng nhạc trữ tình quê hương vẫn được công chúng ưa chuộng?
Đúng rồi. Sáng tác là một chuyện. Người nghe có bằng lòng không là một
chuyện. Trong Nam, người ta giải trí bằng loại nhạc mà mình gọi là nhạc
vàng nó quen rồi, nghe mấy dòng nhạc lạ quá không thích.
.
No comments:
Post a Comment