Thursday, June 2, 2011

Ca sĩ Hương Lan

http://viethamvui.forummotion.com/t7639-topic


Hương Lan là ca sĩ hải ngoại đầu tiên trở về quê hương, được cấp giấy phép biểu diễn cũng như phát hành băng đĩa trong nước.

Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn và lớn lên tại đây cho đến khi sang Pháp vào năm 1978. Cô là con cả trong một gia đình có 5 người con, ngoài một người con riêng của thân phụ cô là nghệ sĩ Hữu Phước với người vợ không chính thức trước đó, khi ông còn là một giáo viên tiểu học. Một người em gái cô là Hương Thanh cũng hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật, hiện đang cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Lê, nổi tiếng trong ngành dân nhạc tại Châu Âu. Thời gian Hương Lan mới mở mắt chào đời , gia đình cô ở trong một hoàn cảnh túng thiếu nên rất vất vả về mặt kinh tế. Lúc đó, thân phụ cô mới đi hát được vài năm, tiếng tăm chưa có là bao.

Năm 1961, khi Hương Lan chỉ vừa tròn 5 tuổi, cha cô là cố nghệ sĩ Hữu Phước đã mang cô lên sân khấu và vở cải lương "Thiếu Phụ Nam Xương" ghi dấu đầu tiên trong cuộc đời ca hát của cộ Năm 1966, Hương Lan bắt đầu chuyển sang hát tân nhạc và bài hát đầu tiên của cô là "Ai Ra Xứ Huế" của Duy Khánh. Giọng hát ngọt ngào và lối trình diễn điêu luyện của cô đã làm bao nhiêu người ngưỡng mộ.

Hương Lan được chỉ dẫn vọng cổ bởi nhạc sĩ Sáu Tửng, thân phụ nhạc sĩ Huỳnh Anh. Thầy Sáu Tửng, khi đó sống chung với gia đình cô, đã có công chỉ dẫn nhiều cho cô vềà nhịp nhàng, trong khi thân phụ cô chỉ dẫn cách diễn trên sân khấu. Nhưng thật ra Hương Lan cho biết, cô học thẳng trên sân khấu nhiều hơn là học ở bố. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất cô thừa hưởng nơi người bố nổi danh là cách sắp chữ và lối hành văn bên ngành cải lương. Do từng hành nghề giáo viên, nên Hữu Phước rất kỹ lưỡng về cách phát âm cuả người miền Nam.

Khi lên 9 tuổi, Hương Lan đã phải chứng kiến sự chia tay giữa bố mẹ vào năm 1965, với lý do đến từ “sự lả lướt của mấy ông nghệ sĩ, nên má em không thích. Từ đó, gia đình Hương Lan lâm vào tình trạng khó khăn nên cô phải đi hát phụ với bố để giúp gia đình. Thời gian này, Hương Lan càng lúc càng gây được nhiều chú ý nơi khán thính giả qua các vai trong các vở cải lương như Thầy Cai Tổng Bồi, Lan Và Điệp. Cũng như sau này là Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, vv…

Lên 10 tuổi, Hương Lan bắt đầu chuyển qua Tân Nhạc, sau khi được nhạc sĩ Trúc Phương nhận ra khả năng của giọng hát cô, và nhất là trước đó cô rất thích tiếng hát của Hoàng Oanh. Trước lời đề nghị của Trúc Phương, thân phụ cô bằng lòng để cô theo học nhạc. Dù là một nghệ sĩ cải lương tên tuổi, nhưng Hữu Phước có một chủ trương rất cởi mở để cho rắng “Nghề nào cũng là nghề, cũng là sân khấu”.

Thế là kể từ năm 66, Hương Lan bắt đầu chuyển qua tân nhạc trong hình ảnh một cô bé mặc váy đầm xòe trên những chương trình Đại Nhạc Hội Duy Ngọc tổ chức thường xuyên tại rạp Quốc Thanh. Với hai nhạc phẩm “tủ” đầu tiên là Những Đồi Hoa Sim và Ai Ra Xứ Huế, “Bé Hương Lan” đã gây nhiều ngạc nhiên cho khán giả. Đặc biệt sau đó, “Bé Hương Lan” đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh mỗi khi xuất hiện cùng với bố trong vở “Lan Và Điệp” qua những đoạn tân cổ giao duyên. Hai năm sau, Hương Lan đã được mời ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam để thu thanh những ca khúc tân nhạc cùng một số bản cải lương. Sau khi mãn hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam vào năm 70, cô sang hợp tác với trung tâm băng nhạc Trường Sơn do nhạc sĩ Duy Khánh chủ trương trong hai năm. Trước khi về với Trường Sơn, Hương Lan đã bớt xuất hiện trên sân khấu để chỉ chú tâm theo đuổi việc học hành khi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa trung học trường Nguyễn Bá Tòng. Nhưng vì quá đam mê nghệ thuật nên việc học vấn của Hương Lan đã chấm dứt rất sớm, khi cô mới học hết năm Đệ Ngũ. Và cũng kể từ năm 72, Hương Lan trở thành một ca sĩ tân nhạc độc lập, được mời thu thanh trên rất nhiều băng nhạc chung với nhiều nghệ sĩ khác, ngoài phần thỉnh thoảng vẫn thu một số băng cải lương. Cũng vào thời gian này, tiếng hát của “Bé Hương Lan” trở thành quen thuộc với những thính giả đài phát thanh, đặc biệt qua những chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ. Sở dĩ có một thời gian khá dài, Hương Lan vắng bóng trên sân khấu cải lương vì cô ở trong lứa tuổi cô cho là lỡ cỡ, “không đóng được vai đào và cũng không đóng được vai con nít”, như cô kể. Hương Lan chỉ trở lại với cải lương vào năm 73, khi được 17 tuổi.

Hương Lan lập gia đình với Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, vv…

Năm 1978, Hương Lan sang Pháp định cư, cũng như nhiều ca sĩ khác phải làm nhiều việc để nuôi sống mình và nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Đâu có ca sĩ nào luôn ở trên đỉnh cao của sự hãnh tiến. Hương Lan phải làm ngay cả những việc chẳng ăn nhập gì với nghệ thuật như cuốn chả giò, bán quần áo,… chỉ với ước mơ được hát trở lại. Niềm đam mê ca hát theo cô bé Hương Lan từ lúc nhỏ, được nung nấu trong suốt cuộc đời cô. Hương Lan bắt đầu thực hiện mơ ước ở những phòng trà, mặc dù mỗi tuần chỉ hát vào ngày thứ bảy.

Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My, theo lời mời của một công ty điện toán Úc nhằm tổ chức những chương trình văn nghệ để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty này với mục đích đưa những sản phẩm đó vào thị trường Việt Nam. Cô nghĩ rằng niềm ao ước được trở lại hát ở quê hương có cơ hội thành hình vì cho là “dù sao cũng có cả một kỷ niệm, cả một tuổi thơ ở Việt Nam” như cô tâm sự.

Năm1996, Hương Lan chính thức được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà.

Hiện nay Hương Lan là hội viên danh dự của Hội Những Bệnh Nhân Nghèo ở Sài Gòn. Trong những năm qua cô đã đứng ra tổ chức nhiều chương trình ca nhạc lấy tên là “Đêm Hương Lan Với Người Nghèo tại Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Phước, Sài Gòn,…. Tất cả tiền lời của những lần tổ chức đó, cô đã trao cho Hội Những Bệnh Nhân Nghèo để dùng vào việc chữa trị cần thiết. Ngoài ra cô cũng đã thực hiện một đêm hát ở Phú Yên để gây quỹ cho các trẻ em tàn tật và một chương trình Cây Mùa Xuân cho trẻ em nghèo ở Bình Phước là nơi vợ chồng cô có một trang trại rộng 13 mẫu tây, trong đó có một vườn trái cây gồm xoài, nhãn, mãng cầu, sầu riêng, chôm chôm, vv…và 2 ao nuôi cá, mỗi ao rộng gần 2000m vuông. Ngoài ra vợ chồng cô còn có một ngôi nhà trong cư xá An Phú Đông.

Ngoài những chương trình có mục đích từ thiện, Hương Lan thường đi hát hàng đêm tại các tụ điểm. Cô thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình ca nhạc ở một số phòng trà trong đó có phòng trà Văn Nghệ là nơi cô thường xuất hiện nhất. Từ năm 2003, Hương Lan đã chính thức quay về với sân khấu cải lương trong vở Hoa Đồng Cỏ Nội của đoàn Trần Hữu Trang, diễn tại rạp Hưng Đạo, trong khi đã thu thanh rất nhiều cổ nhạc trên những chương trình video.

Tháng 11/2009, sau gần 3 năm thực hiện, album "Chỉ Hai Đứa Mình" được Hương Lan tâm huyết đã được phát hành. Album gồm những ca khúc không mới nhưng đã gắn liền với tên tuổi của Hương Lan, được xem như một món quà tri ân của Hương Lan dành cho khán giả yêu mến giọng hát của mình.

No comments: