Wednesday, February 2, 2011

Tình khúc 1954-1975

http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ACnh_kh%C3%BAc_1954-1975#Tr.C6.B0.E1.BB.9Bc_1975_t.E1.BA.A1i_mi.E1.BB.81n_Nam


Tình khúc 1954-1975 hay tình ca 1954-1975 là một dòng nhạc thuộc tân nhạc Việt Nam. Đây là khái niệm không thật chính xác để chỉ một số các ca khúc được sáng tác tại miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975.


Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, tạm thời chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự tại vĩ tuyến 17. Tại miền Bắc Việt Nam, các nhạc sĩ không còn sáng tác tình ca và những ca khúc tiền chiến viết trước đó không được lưu hành [cần dẫn nguồn].
Tại miền Nam Việt Nam, nền tân nhạc được phát triển tự do và đa dạng. Một số nhạc sĩ từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Họ cùng với các nhạc sĩ ở miền Nam hoặc từ miền Bắc vào trước đó đã viết các ca khúc thuộc nhiều thể loại, khác biệt với dòng nhạc đỏ duy nhất ở miền Bắc.
Tuy chỉ có 20 năm, nhưng thời kỳ này tại miền Nam đã hình thành một số lượng nhạc khổng lồ, trong đó có nhiều bài nhạc nổi tiếng, được yêu thích và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Các tình khúc 1954-1975 và nhạc vàng đều được viết chủ yếu tại miền Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, vì vậy hai khái niệm này không rạch ròi và nhiều khi bị dùng lẫn lộn.

Các ca khúc nhạc vàng thường được viết với giai điệu đơn giản và lời ca bình dân. Còn các tình khúc 1954-1975 với lời ca mang tính văn học và gần với nhạc tiền chiến hơn. Nhiều bài hát của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương được phổ từ các bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê... Nhạc vàng với những chủ đề tình yêu, lính, quê hương thường được coi là dành cho tầng lớp bình dân, còn tình ca 1954-1975 là dòng nhạc được giới thanh niên, sinh viên yêu thích.

các Nhạc sĩ tiêu biểu :

  • Phạm Duy

  • Trịnh Công Sơn

  • Ngô Thụy Miên

  • Vũ Thành An

  • Từ Công Phụng

  • Lê Uyên Phương

  • Phạm Đình Chương


  • Một lớp nhạc sĩ trẻ hơn xuất hiện với các bản tình ca mới. Khác với dòng nhạc tiền chiến thường mượn cảnh mùa thu, mưa... để nói lên tình cảm của mình, những nhạc sĩ này có cách thể hiện trực tiếp hơn như Vũ Thành An với các Bài không tên, Lê Uyên Phương với các ca khúc...

    Năm 1965, Vũ Thành An viết ca khúc đầu tay Tình khúc thứ nhất, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn. Ngay từ ca khúc đầu tiên này, Vũ Thành An được nổi danh. Tiếp sau đó, ông viết một loạt Bài không tên được đánh số cùng một vài ca khúc có tên như Em đến thăm anh đêm 30. Những nhạc phẩm của Vũ Thành An được yêu thích rộng rãi ở miền Nam khi đó, thường xuyên được nghe thấy trong các quán cà phê, trên sóng đài phát thanh, trong các băng nhạc.

    Ngô Thụy Miên bắt đầu với Chiều nay không có em được viết năm 1963, nhưng đến với công chúng vào năm 1965. Tiếp theo, ông phổ nhạc cho một số bài thơ của thi sỹ Nguyên Sa và dành được thành công rực rỡ. Các ca khúc Niệm khúc cuối, Mắt biếc, Áo lụa Hà Đông đã ghi dấu ấn của Ngô Thụy Miên trong thời kỳ đó. Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay Tình Ca Ngô Thụy Miên gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 tới 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ danh tiếng Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan... và nhạc sĩ hòa âm Văn Phụng, cuốn băng tạo được thành công rực rỡ.

    Từ Đà Lạt, đôi nghệ sĩ Lê Uyên và Phương xuất hiện mang đến cho tân nhạc những sắc thái mới với các ca khúc khắc khoải, nồng nàn. Bắt đầu từ nhạc phẩm đâu tay Buồn đến bao giờ viết năm 1960 tại Pleiku, Lê Uyên Phương với những Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta... được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận.

    Một gương mặt nổi danh nữa của dòng nhạc này là nhạc sĩ Từ Công Phụng. Khởi sự từ ca khúc đầu tay Bây giờ tháng mấy, các nhạc phẩm tiếp theo của Từ Công Phụng đều mang không khi mang mác như Lời cuối, Trên ngọn tình sầu, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Giọt lệ cho ngàn sau, Mắt lệ cho người... Đặc biệt sau 1975 ở hải ngoại, các ca khúc của Từ Công Phụng còn được biết đến nhiều hơn qua giọng ca Tuấn Ngọc trình bày rất thành công.

    Một số nhạc sĩ khác cũng viết các tình khúc nổi tiếng rát được ưa chuộng vào thời gian này như Hoàng Nguyên với Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ, Quốc Dũng với Đường xưa, Cơn gió thoảng, Nguyễn Ánh 9 với Không, Buồn ơi xin chào mi, Văn Phụng với Yêu, Tình; Khánh Băng với Sầu đông, Vọng ngày xanh; Y Vân với Buồn, Thôi, Ảo ảnh, Anh Bằng với Sầu lẻ bóng, Hoa học trò, Nỗi lòng người đi; Trần Trịnh với Lệ đá; Nguyễn Văn Đông với Chiều mưa biên giới, Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp; Phạm Trọng Cầu, học ở Paris, cũng đã viết Mùa thu không trở lại...; Trịnh Công Sơn với Tình nhớ, Tình xa, Phôi pha ...

    Phạm Đình Chương cũng có Nửa hồn thương đau phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền rất nổi tiếng, hay Người đi qua đời tôi phổ thơ Trần Dạ Từ. Lê Trọng Nguyễn nổi danh với Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm và đặc biệt Nắng chiều, ca khúc còn được biết đến ở Hồng Kông, Đài LoanNhật Bản. Hàng Trọng thành công với các bài hát theo điệu tango Ngỡ ngàng, Lạnh lùng, Tiễn bước sang ngang.
    Nhưng sáng tác mạnh mẽ nhất trong giai đoạn này là nhạc sĩ Phạm Duy, thuộc thế hệ tiền bối. Nhạc của ông được yêu thích và phổ biến rất rộng rãi, có nhiều thể loại như tình ca trai gái, tình ca một mình, tâm ca, đạo ca. Nhiều bài hát nổi tiếng một thời như Mùa thu chết, Giết người trong mộng, Trả lại em yêu, Chỉ chừng đó thôi, hay những bài phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư như Ngày xưa Hoàng Thị, Thà như giọt mưa...Trịnh Công Sơn trong một bài phỏng vấn sau này ghi nhận rằng Phạm Duy bàng bạc khắp nơi.

    TỪ SAU  1975

    Tại hải ngoại
    Sau sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1975, cũng như dòng nhạc vàng, tình khúc 1954-1975 đều bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Nhưng những ca khúc này cũng với nhạc tiền chiến và nhạc vàng trở thành dòng nhạc chủ đạo của người Việt tại hải ngoại. Một số các nhạc sĩ sang định cư ở nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và có những ca khúc thành công như Riêng một góc trời của Ngô Thụy Miên, Nghìn năm vẫn chưa quên của Phạm Duy và những ca khúc của Trầm Tử Thiêng...

    Ngoài những ca sĩ thành danh ở Sài Gòn trước 1975 như Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc... tình khúc 1954-1975 tiếp tục được các ca sĩ trẻ của hải ngoại như Trần Thái Hòa, Nguyên Khang, Thanh Hà... trình bày.

     Tại Việt Nam

    Tình khúc 1954-1975 và nhạc vàng không được lưu hành tại Việt Nam, cho tới khoảng đầu thập niên 2000, mới dần dần được phép hát trở lại.

    Gần đây nhiều ca sĩ trẻ như Quang Dũng, Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn... đã ghi âm nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc này và cùng với sự trở về của các ca sĩ hải ngoại Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Duy Quang, tình khúc 1954-1975 đã được giới trẻ hiện nay yêu thích. Nhiều đêm nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Trọng Nguyễn.. được các phòng trà tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.


    No comments: