Monday, April 23, 2012

Đôi nét về Nhạc sĩ Lam Phương

http://cafevannghe.wordpress.com/2011/02/26/nh%E1%BA%A1c-si-lam-ph%C6%B0%C6%A1ng/


Vào những năm đầu khi mới chia cắt đất nước (1954), dân chúng miền Nam thường được nghe đi nghe lại bài Chuyến Đò Vĩ Tuyến trên đài phát thanh:
“Đêm nay trăng sang quá anh ơi / Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai mầu…”

Lúc ấy, ai cũng tưởng Lam Phương chắc phải là một “ông Bắc kỳ di cư” lớn tuổi, dàn trải tâm tư khắc khoải của mình khi rời đất Bắc vào Nam tìm tự do. Nhưng hóa ra tác giả chỉ là một thanh niên miền Nam mới 18 tuổi, đã khơi lên nỗi xúc động thay cho gần một triệu đồng bào vừa lìa xa cố hương.

Từ cái bước khởi đầu vững chắc ấy, người ta đã nhìn thấy ở trước Lam Phương là một tài năng lớn, một sức sáng tạo đích thực, và quả nhiên như mọi người dự đoán, anh đã cống hiến cho tân nhạc Việt Nam gần 200 ca khúc đặc sắc trong nửa thế kỷ vừa qua.

 

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/03/1937, tại Rạch Giá. Nội tổ của anh vốn là người gốc Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của Lam Phương đã bắt đầu lai Việt Nam và đến thân phụ của anh thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa.

Lam Phương là con đầu lòng, nhưng lớn lên chỉ thấy mẹ và các em trong cảnh nghèo nàn xác xơ. Ông bố đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc Lam Phương chưa đủ trí khôn. Mười tuổi, Lam Phương giã từ Rạch Giá lên Sài Gòn, ở trọ nhà người quen trong xóm lao động tăm tối vùng Đa Kao và vào học trung học ở Việt Nam Học Đường. Thời gian này, anh bắt đầu tự học nhạc qua sách vở, phần lớn là bằng tiếng Pháp. Điều này dễ hiểu, bởi ngày ấy nước ta chưa có trường âm nhạc. Thế hệ Lam Phương cũng như các nhạc sĩ lớn tuổi hơn, muốn học nhạc thì hoặc phải tự mò mẫm qua các tài liệu viết bằng tiếng Pháp, hoặc ghi danh hàm thụ các trường chuyên nghiệp bên Paris để họ gửi bài vở sang. Song song với phần nhạc lý, Lam Phương cũng xin học lớp guitar do một ông thầy Việt Nam truyền nghề.

Để trắc nghiệm khả năng học hỏi của mình sau một thời gian miệt mài, năm 1952, lúc mới 15 tuổi, Lam Phương sáng tác ca khúc đầu tay là Chiều Thu Ấy. Anh vay mượn bạn bè và hàng xóm, tự in bản nhạc rồi thuê xe lam chở đi giao cho các quầy hàng bán lẻ. Tuy cũng lấy lại vốn, nhưng ca khúc này chưa gây được tiếng vang. Phải chờ 3 năm sau khi 18 tuổi, Lam Phương mới tung ra được một số sáng tác nổi đình nổi đám ngay như Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Nhạc Rừng Khuya, Trăng Thanh Bình, Khúc Ca Ngày Mưa, Nắng Đẹp Miền Nam v.v…

Nhạc của Lam Phương nhanh chóng tràn lan trong học đường trên phạm vi cả nước. Hầu như trường nào cũng cho học trò đồng ca hoặc múa hát những bài tươi vui lành mạnh, phổ biến nhất là Khúc Ca Ngày Mưa và Nắng Đẹp Miền Nam. Ở những nhạc phẩm này, người ta thấy ngay sự phản ánh rất rõ nét một thời thanh bình rộn rã của những năm đầu nền Đệ nhất Cộng hòa.


Năm 21, Lam Phương nhập ngũ. Thời ấy, thanh niên đi quân dịch chỉ có một năm bởi là nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Tại quân trường, anh viết Bức Tâm Thư, hô hào thanh niên sốt sắng đi quân dịch. Ngày mãn khóa, anh sáng tác 2 bản nhạc nổi tiếng là Tình Anh Lính Chiến và Chiều Hành Quân. Anh kể với tôi: Vì không biết rõ xuất xứ sáng tác bài Tình Anh Lính Chiến, cho nên sau này nhiều ca sĩ thường hát câu: “Anh chiến trường, em nơi hậu tuyến”. Thật sự thì hát như vậy là sai, bởi anh viết cho bạn bè đồng ngũ trước khi chia tay ở quân trường, mỗi người đi mỗi nơi, nên câu hát đúng là ‘Anh chiến trường, tôi nơi hậu tuyến”. Đây là tình đồng đội chứ không phải tình yêu trai gái.

Mãn hạn quân dịch, trở về đời sống dân sự, Lam Phương tiếp tục sáng tác và tự xuất bản các tác phẩm của mình. Nhạc của anh có sức phổ biến sâu rộng, là một trong những nhạc sĩ thành công nhất ở miền Nam, giúp anh thoát khỏi cảnh lầm than mà anh đã mô tả qua bản Kiếp Nghèo mấy năm về trước.

Lúc ấy, nhạc sĩ Phạm Duy đang phụ trách trung tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nghe tiếng Lam Phương, gọi anh đến và giới thiệu với đạo diễn Lưu Bạch Đàn để Lam Phương đóng vai chính trong phim Chân Trời Mới bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ lão thành Vũ Huân. Đây là một phim truyện nhằm cổ võ cho quốc sách Ấp Chiến Lược, đồng thời đả phá tệ nạn quan liêu phong kiến ở xã ấp.

Khi tên tuổi bắt đầu vững vàng, Lam Phương lập gia đình với kịch sĩ kiêm ca sĩ Túy Hồng. Từ đó anh phụ trách thêm công việc viết nhạc nền cho ban kịch Sống, cho chúng thêm hàng loạt ca khúc đặc sắc như Thu Sầu, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Phút Cuối, Ngày Buồn v.v…

 

Tình hình chiến sự miền Nam gia tăng, Lam Phương được gọi tái ngũ. Anh mặc quân phục trở lại và gia nhập Ban Văn Nghệ Bảo An (Địa Phương Quân). Khi ban này giải tán, anh chuyển qua ban văn nghệ Hoa Tình Thương. Rồi Hoa Tình Thương cũng giải tán để biến thành Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, nơi Lam Phương cộng tác cho đến ngày mất miền Nam.

Trong khoảng thời gian này, sức sáng tác của Lam Phương càng dàn trải trên nhiều thể loại rất phong phú mà đặc biệt một điểm là hầu hết ca khúc nào anh đưa ra cũng đều trở thành Top Hit trên thị trường, điển hình như Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Thành Phố Buồn, Tình Chết Theo Mùa Đông v.v… đưa anh vào vị trí một nhạc sĩ thành công nhất Việt Nam về mặt tài chánh.

Sáng ngày 30/4/1975, anh quyết định vào phút chót, đem gia đình chạy lên tàu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, cùng với gần 4000 đồng bào ra khơi. Trên tàu, anh gặp Elvis Phương, ca sĩ đầu tiên đã hát bài Chờ Người của anh khoảng năm 1972. Cũng trong đám người dày đặc đó, có một cô bé còn bế trên tay, sau này là á hậu Việt Nam tại Paris và trở thành nữ ca sĩ Bảo Hân.

Vì không có ý định ra đi, cho nên Lam Phương hoàn toàn chẳng chuẩn bị bất cứ thứ hành trang nào để đem theo. Anh bỏ lại chiếc xe hơi, hai căn nhà lớn và khoảng 30 triệu đồng trong ngân hàng để lên đường với hai bàn tay trắng và vài bộ quần áo ! Lúc ấy, lương một vị tổng giám đốc hoặc một vị đại tá trong quân đội chỉ có mấy chục ngàn một tháng ! (nên nhớ vàng 9999 Kim Thành lúc đó chỉ có 36.000d9VN/lượng)

Định cư ở Mỹ, cái job đầu tiên anh làm trong hãng Sears là lau sàn nhà và cọ cầu tiêu! Rồi chuyển sang làm thợ mài, thợ tiện, bus boy. Tuy vậy, cứ mỗi cuối tuần anh vẫn cố gắng thuê một nhà hàng, biến thành phòng trà ca nhạc để đồng hương có chỗ gặp nhau và để chính anh cùng Túy Hồng đỡ nhớ sân khấu. Nghề này, chẳng những lợi tức không có bao nhiêu mà buồn thay, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, anh khám phá ra người bạn đời không còn thủy chung với anh nữa. Anh cay đắng vật vã, cố gắng hàn gắn nhưng không xong. Anh biết cái thế của anh đã mất hẳn từ khi ra hải ngoại, bởi tiền bạc, danh vọng đều chỉ còn là trong kỷ niệm. 
 

Nỗi đau ray rứt của cuộc tình tan vỡ trên đất khách đã là động lực sâu thẳm khiến anh sáng tác mấy bản nhạc rất bi thương, trong đó có một bài để đời là Lầm :
“Anh đã lầm đưa em sang đây / Để đêm trường nghe tiếng thở dài / Thà cuộc đời im trong lòng đất…” 

Rồi anh ngậm ngùi bỏ Hoa Kỳ sang Paris, xin vào làm công việc đóng gói quét dọn cho một tiệm tạp hóa. Cũng tại đây, anh gặp lại ông bà Tô Văn Lai, chủ nhân Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, vốn đã quen biết anh ở Sài Gòn từ trước năm 75. Thúy Nga ngày ấy cũng còn quá nghèo, chỉ sang lại những băng cũ mang theo từ Việt Nam, nên chả có việc gì cho Lam Phương làm. Chính bản thân ông Tô Văn Lai, Giáo sư Triết ở Sài Gòn, dân trường Tây từ nhỏ, giờ đây cũng phải đi học nghề sửa xe và đứng bơm xăng ở vùng Bondi, ngoại ô Paris.

Lam Phương tiếp tục sống lầm lũi cho qua ngày ở kinh thành ánh sáng, mãi cho đến khi anh bất ngờ gặp một khúc rẽ tình cảm mới: Một người đàn bà rất đẹp đã đến với trái tim anh, giúp anh xóa đi những ngày tăm tối vừa qua. Nhờ khúc rẽ ấy, chúng ta mới có được một loạt ca khúc chan hòa niềm vui như Mùa Thu Yêu Đương, Tình Hồng Paris, Tình Đẹp Như Mơ, và nhất là Bài Tango Cho Em :
“Từ ngày có em về/ Nhà mình ngập ánh trăng thề…”

Cũng trong khoảng thời gian tạm cư ở Paris, anh sáng tác 3 ca khúc nổi tiếng khác mà giờ này thính giả vẫn thích nghe đi nghe lại :
- Cho Em Quên Tuổi Ngọc : Anh đặt cả lời Pháp lẫn lời Việt, viết cho một cuốn phim. Tựa tiếng Pháp là C’est Toi.
- Em Đi Rồi : Anh viết cho chuyện tình tan vỡ của nữ ca sĩ Họa My, khi Họa My sang Pháp để lại người chồng ở Việt Nam.
- Một Mình : Cảm xúc của chính anh buổi sáng thức dậy, cô đơn nhìn ra cửa trong ánh bình minh.
Bước sang đầu thập tiên 1990, Trung tâm Thúy Nga tương đối đã có cơ sở vững vàng ở Paris lẫn Cali sau khi sản xuất thành công một loạt video tuồng cải lương và các chương trình Paris By Night bắt đầu từ năm 1983. Lúc ấy, Thúy Nga mới quyết định thực hiện một cuốn Paris By Night chủ đề nhạc Lam Phương.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Lam Phương vào tháng 03 năm 1993, khi trời Paris còn đang se lạnh. Mặc dầu lúc này Lam Phương đã chia tay người đàn bà từng mang cho anh “những nụ hồng Paris”, nhưng cuộc sống của anh đã tạm ổn định cả mặt tinh thần lẫn vật chất, một phần nhờ có cô em gái từ Việt Nam sang tỵ nạn, mở tiệm ăn Như Ánh ngay tại Quận 13, giao cho anh làm manager.

Lúc gặp tôi, anh đã hoàn toàn lấy lại phong độ, tìm lại sự tin yêu trong cuộc đời, quên hết những nhọc nhằn gần 20 năm sóng gió vừa qua. Anh cho biết : Anh ít đọc sách của tôi, nhưng em gái anh, chủ nhà hàng, thì bất cứ lúc nào rảnh rỗi, cô cũng để cuốn tiểu thuyết Màu Cỏ Úa. Nhờ vậy, tuy gặp nhau lần đầu mà anh với tôi đã có cảm tưởng như quen nhau từ lâu.

 

Bài học đầu tiên tôi học ở anh Lam Phương là sự bình dị và khiêm tốn. Một người từng nổi tiếng từ lúc tuổi chưa đến 20, từng có một cuộc sống giàu sang ở Sài Gòn, giờ này ngồi tiếp chuyện tôi trong cái quán nhỏ, bằng một thái độ rất chân tình và lịch sự, mặc dầu tôi thua anh về mọi mặt. Cái ấn tượng ban đầu ấy khắc ghi mãi trong lòng tôi cho đến hôm nay.

Sau sự thành công của Paris By Night “Bốn Mươi Năm Âm Nhạc Lam Phương”, chỉ hơn một năm sau, Thúy Nga lại thực hiện thêm một chương trình Lam Phương thứ 2 bởi nhạc anh còn quá nhiều. Cuốn này tôi đặt tựa đề là “Lam Phương, Dòng Nhạc Tiếp Nối’.

Sau cuốn băng ấy, Lam Phương quay về định cư tại Hoa Kỳ năm 1995. Người đàn bà bảo lãnh anh trở lại Mỹ tuy không phải là một cuộc tình lớn trong đời, nhưng anh cần một mái ấm ổn định ở tuổi đã trên 55. Về lại Cali, anh tiếp tục sáng tác và lâu lâu phụ việc với Trung tâm Thúy Nga lúc này đang trên đà thăng tiến mạnh mẽ.

Dòng đời đang êm trôi thì ngày 13/3/1999, trong lúc đang dự tiệc ở nhà một người thân, không may anh bị tai biến mạch máu não. Từ đó anh nói không ra lời, một nửa thân thể gần như bại liệt hoàn toàn. Bàn tay đánh đàn ghi nốt nhạc mấy chục năm qua, bây giờ không sử dụng được nữa. Anh chị em nghệ sĩ cùng nhau tổ chức đêm nhạc Lam Phương tại nhà hàng Majestic để hỗ trợ anh về cả hai mặt tinh thần và tài chánh. Tôi bay sang góp mặt, anh chỉ nắm tay tôi ứa nước mắt mà nói không thành câu.

Vài hôm sau, người đàn bà đang chung sống với anh, cũng lặng lẽ chia tay, bỏ lại anh trên chiếc xe lăn, bơ vơ trong căn nhà vắng, để ngày nay anh thấm thía với nỗi quạnh hiu như những lời ca tiên tri chính anh đã viết :
“Sớm mai thức giấc / Nhìn quanh một mình !”


Thời gian trôi qua quá nhanh ! Mới đó mà Lam Phương “nhìn quanh một mình” đã 11 năm ! Anh đã cố gắng vượt bậc, cố giữ tâm hồn thư thái và thể dục đều đặn. Nhờ vậy thỉnh thoảng anh có thể tạm bỏ xe lăn, đứng dậy chống gậy đi một vòng quanh nhà. Nỗi buồn lớn nhất của anh từ ngày gặp nạn là không còn đánh đàn và viết nhạc được nữa bởi một nửa thân thể vẫn hoàn toàn bất động, mặc dầu trí óc anh rất sáng suốt.
(Theo Thoi Bao)

Xin mời thưởng thức nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, do ca sĩ Quang Dũng, Túy Hồng trình bày :

Click vào đường dẫn sau đây : Một Mình

Mời thưởng thức 2 nhạc phẩm (nghe thấy đúng là trong mà chát thật:
Thu sầu (st Lam Phương)
Kiếp nghèo (st Lam Phương)

No comments: