NGUYỄN ÁNH 9

http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20130905/nhac-si-nguyen-anh-9-ca-si-dung-hat-bang-cai-dau-day-toan-tinh.aspx


Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại tỉnh Phan RangViệt Nam (cũng có nguồn viết ông sinh năm 1939). Ông là út trong một gia đình khá giả có ba người con. Gia đình Nguyễn Đình Ánh chuyển đến Nha Trang và năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn.
Nguyễn Đình Ánh theo học trường Taberd đến năm 1954 rồi lên Đà Lạt, ở nội trú trường Yersin cho đến năm 1958. Ông bỏ nhà đi năm 18 tuổi để theo đuổi con đường âm nhạc. Ông tập chơi dương cầm từ nhỏ và trong thời gian học ở Đà Lạt, Nguyễn Đình Ánh có quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.
Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Ōsaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. Trước đề nghị đó, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn.
Ca khúc "Không" được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương. "Không" trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát củaElvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như "Ai đưa em về", "Chia phôi", "Lời cuối cho em",... được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
Những năm đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông đã từng đệm dương cầm cho những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thái Thanh. Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Ánh 9 đã nói ông mê nhất được đệm đàn cho hai danh ca này. Cũng thời gian đó, ông viết thêm một vài nhạc phẩm nổi tiếng khác như "Mùa thu cánh nâu", "Đêm tình yêu".
Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, thời gian đầu ông có đi diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng. Từ 1976, ông làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm.
Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 trở lại với âm nhạc; ông tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như Mảnh tình nghiệt ngãMênh mông tình buồn. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 Nguyễn Ánh 9 có viết thêm một số ca khúc nữa như "Tình yêu đến trong giã từ", "Mênh mông tình buồn", "Cho người tình xa" và "Cô đơn".
Gần đây, Nguyễn Ánh 9 vẫn còn biểu diễn, tham gia một số đêm nhạc của ca sĩ Ánh Tuyết. Ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon.

Việc từ giã sân khấu của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một mất mát không nhỏ cho những ai yêu thích 
tài đàn piano cũng như những sáng tác của ông

* Thưa ông, đâu là những nguyên nhân khiến ông quyết định từ giã sân khấu?
- Tuổi tôi đã già, sức khỏe đã yếu và mệt mỏi nên tôi không còn đủ sức để đứng thường xuyên trên những sân khấu lớn, quy mô và hoành tráng nữa. Nhưng từ giã sân khấu không có nghĩa là không bao giờ đứng trên khấu nữa. Nếu có lời mời từ những chương trình nghệ thuật, những chương trình mang mục đích từ thiện, có ích cho xã hội, tôi sẵn sàng nhận lời cùng tham gia. 

* Nhiều người bảo rằng vì quá buồn sau câu chuyện với Đàm Vĩnh Hưng nên nhạc sĩ đưa ra quyết định này, liệu có phải như vậy không thưa nhạc sĩ?
- Không phải! Không hề đúng như vậy. Chỉ là một câu chuyện hiểu lầm không đáng có. Tôi không bận tâm suy nghĩ và cũng không buồn vì điều nhỏ nhặt ấy nữa. Buồn có được gì đâu, có đem lại lợi ích gì đâu mà buồn. Buồn chỉ làm mất thời gian. Hãy để dành thời gian mà làm những chuyện có ích hơn. 
Nhiều người bảo tôi giận Đàm Vĩnh Hưng nhiều lắm. Nhưng sai rồi, tôi không trách cứ hay giận Đàm Vĩnh Hưng gì cả. Mà thật sự thông cảm, vì hiểu rằng trên đời ai chẳng từng có những phút giây mắc lỗi.

* Ông đã từng nghĩ đến thời khắc này chưa?
- Tôi đã từng nghĩ và định chia tay sân khấu từ lâu, khoảng 3, 4 năm nay rồi. Nhưng mà khán giả còn thương tôi nhiều, nên không dám từ giã, sợ có lỗi với những người mến mộ nên cố gắng tiếp tục cống hiến trong thời gian qua. Nhưng bây giờ tôi thật sự không đủ sức khỏe, xin lỗi mọi người, mong mọi người cảm thông và chấp nhận quyết định này.

* Tâm trạng của ông hiện giờ như thế nào?
- Tôi buồn lắm. Tôi đã, đang và sẽ nhớ khán giả nhiều lắm.

* Người thân của ông cảm thấy thế nào với quyết định từ giã sân khấu của ông?
- Thật ra đã từ lâu rồi con cháu cũng như những người thân trong gia đình không ai muốn tôi đứng trên sân khấu nữa. Họ (người thân của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - theo người viết) chỉ muốn tôi an nghỉ tuổi già. Nhưng với tôi, âm nhạc nói chung và cây đàn piano nói riêng đã là máu thịt, là khí thở của tôi. Mỗi ngày tôi không đụng được cây đàn piano là tôi chết ngay. Họ hiểu nên chấp nhận cho tôi theo đuổi con đường nghệ thuật đến tận bây giờ. Lúc này đây, khi tôi nói lời rời xa sân khấu, họ rất tán thành.

* Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, ông nghĩ mình đã được gì và mất gì?
- Tôi được rất nhiều nhưng mất chẳng bao nhiêu. Cái được đó là có cơ hội được nhiều người biết đến, biết được nhiều người, có thêm những người bạn tâm giao, tri kỷ. Hơn hết là được đem âm nhạc dành tặng cho mọi người, được giao lưu trò chuyện và gần gũi với những người mến mộ.
Cái mất thì không đáng, chỉ là một vài chuyện nhỏ hiểu lầm mà thôi.  

* Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm buồn vui trong cả đời gắn bó với nghệ thuật của mình?
- Một kỷ niệm mà chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ quên được. Đó là kỷ niệm vừa buồn vừa vui, mà vui và hạnh phúc nhiều hơn. Năm 2002, khi được ca sĩ Ánh Tuyết mời ra Hà Nội để đệm đàn piano cho cô ấy hát trong một chương trình. Một người trong ban tổ chức đã nói cô ấy “ở ngoài Hà Nội có biết bao nhiêu người đệm đàn hay mà sao lại phải mời người này (nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - theo người viết) ra cho tốn kém, tốn tiền vé máy bay”. Ánh Tuyết nói lại rằng “chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn mới làm giọng hát của tôi thăng hoa hơn, hay hơn” và sau đó chính Ánh Tuyết đã phải thanh toán lại tiền vé máy bay cho tôi.
Khi ra sân khấu, Ánh Tuyết giới thiệu tôi là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khán giả ồ lên vỗ tay. Rồi khi tiết mục kết thúc, khán giả hỏi tôi thêm có phải là tác giả của những ca khúc Ai đưa em về, Biệt khúc, Buồn ơi chào mi… không?
Tôi đã đánh đàn gởi tặng khán giả một bài độc tấu để bày tỏ sự cảm ơn. Đâu ngờ rằng toàn bộ khán giả Hà Nội ở Cung văn hóa Việt Xô ngày ấy đã đứng lên vỗ tay không ngừng. Đó là những tràn vỗ tay dài nhất mà tôi được khen tặng. Tôi xúc động vô cùng. Và sau đó họ không cho tôi rời sân khấu. Chính kỷ niệm này đã thúc đẩy tôi cố gắng hơn mỗi ngày để xứng đáng với sự yêu thương, mến mộ của khán giả.
Còn kỷ niệm buồn, đó có lẽ là những lần tôi đánh đàn, dù ở sân khấu lớn hay nhỏ, tôi cũng dồn hết vào đó tâm tư tình cảm của mình, nhưng tiếc rằng nhiều khi có những khán giả vô tư trò chuyện, lớn tiếng cười đùa, thậm chí ăn nhậu phía dưới.

* Thưa ông! Đâu là những ca sĩ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông, nói cách khác là ông mến mộ tài năng của họ?
- Tôi yêu thích rất nhiều giọng ca nhưng đặc biệt mến mộ là ca sĩ Đức Long, cậu ấy hát rất dễ thương và tình cảm. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết, Trọng Bắc, Tuấn Hiệp… Còn với ca sĩ trẻ, tôi rất thích ca sĩ Tấn Minh.
* Ông có thể chia sẻ vài điều về làng nhạc Việt Nam hiện nay?
- Tôi không dám đánh giá hay nhận xét gì nhiều. Tôi chỉ có một vài tâm sự, là dường như bây giờ trong những tiết mục ca nhạc, phần nhìn đã lấn át phần nghe dù vẫn biết trong âm nhạc không chỉ nghe mà còn có phần nhìn nữa, nhưng có lẽ “nhìn nhiều hơn nghe” thật rồi. Tôi chỉ mong là các ca sĩ đừng bắt khán giả phải nhìn những cái lố lăng, không có nghệ thuật, hãy gởi tặng họ những điều đẹp đẽ nhất.
Nếu là múa minh họa cho bài hát thì phải minh họa sao cho đúng và hợp lý với nội dung bài hát, chứ đừng minh họa cho có.
Tôi hiểu các ca sĩ ai cũng muốn mình ra sân khấu sao cho đẹp, nhưng phải tùy theo thể loại nhạc. Nếu hát bài Làng quê mà mặc đầm dạ hội thì không phù hợp tí nào.
Tôi đặc biệt thích những nữ ca sĩ mặc áo dài để hát. Dù khi đó có hát hay hay không hay, nhưng chỉ cần nhìn thấy họ mặc áo dài là tôi thích rồi. Có lẽ tôi già nên không hiểu tân thời là gì chăng?

* Ông có nhắn nhủ điều gì đó với những ca sĩ trẻ hiện nay?
- Đó là hãy hát bằng trái tim chứ đừng hát bằng cái đầu đầy toan tính. Hãy thật sự hát bằng trái tim thì mới dễ dàng đi đến trái tim của người nghe.

* Khán giả sẽ tò mò không biết trong thời gian tới ông sẽ làm gì ạ?
- Tôi sẽ sống cuộc sống tuổi già và tìm niềm vui bên cạnh những đứa cháu, người thân của mình. Và tôi không quên dành mỗi ngày hai tiếng để đánh đàn vì không đụng được vào nó, tôi chết mất. Tôi cũng có lớp dạy thêm piano cho trẻ em nữa. Và biết đâu đó, dù xa sân khấu, nhưng có thể một ngày nào đó tôi sẽ viết ra một vài ca khúc.

* Chắc nhạc sĩ cũng muốn nói điều gì đó với khán giả vào lúc này?
- Tôi muốn gởi những lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi người. Cảm ơn những người mến mộ đã dành tình yêu thương cho tôi, đã từng quan tâm, lo lắng và là điểm tựa tinh thần cho tôi trong quãng thời gian sống cùng nghệ thuật. Tôi thật sự cảm động và hạnh phúc lắm khi có được tình yêu mà khán giả đã dành tặng. Tôi tri ân tất cả.
Nếu có một dịp nào đó tình cờ gặp nhau, tôi sẽ đánh đàn để bày tỏ sự cảm ơn với mọi người.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ! Kính chúc ông sức khỏe và an vui!
Nguyễn Thanh Nam



No comments: