Friday, September 28, 2018

Những bài ca dành cho người chết trận



Có rất nhiều rất khác biệt trong nền âm nhạc của hai miền Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam trong cuộc nội chiến 20 năm, nhất là khi diễn tả về cảm xúc trong chiến tranh.
Trong sự kiện bi thảm đối với 10 người lính của quân đội mới tử nạn hồi năm 2016, trên mạng xuất hiện vài bài thơ tiếc thương người lính đã tử nạn, tác giả của những bài thơ đều là những người không chuyên.
Chợt nhận ra rằng, miền Bắc thời chiến 1954 -1975 cho đến nay, không hề có nhạc phẩm nào tiếc thương những người lính đã chết trận.
Trong khi đó nền âm nhạc Nam Việt Nam đều có những bài hát để đời, những lời tha thiết, tiễn đưa trong các nhạc phẩm thật và xúc động. Chính vì tình cảm thật như vậy nên những bài hát đó sống mãi đến tận bây giờ.


Có lẽ đứng đầu trong các nhạc sĩ có những bài ca u buồn, bi tráng và cảm thông với gia đình người lính, số phận người lính miền Nam nhất sẽ là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với chùm nhạc phẩm đặc sắc, đi sâu vào lòng người nghe, thấm từng thớ thịt để ngấm tận trái tim. Đó là những nhạc phẩm như Anh Không Chết Đâu Anh, Người Ở Lại Charlie, Bắc Đẩu….
Trong nhạc phẩm Anh Không Chết Đâu Anh, ca từ da diết như cái níu gọi người lính, trong những giây phút bi tráng cuối cùng của số phận.
– Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh?


Câu hỏi như tiếng khóc nghẹn ngào, xót xa… khiến cái chết của người lính dù mũ đỏ Nguyễn Văn Đương không thể nào phôi phai trong lòng người dân Nam Việt Nam. Khác biệt rất nhiều với miền Bắc, âm nhạc miền Nam không hề né tránh khi khơi những nỗi đau, những thân phận của người ở lại.
– Anh chỉ về với mẹ mong con, trong tim cô sinh viên hay buồn, trên khăn tang cô phụ….
Thắng thắn và thật trong cảm xúc, lời bài Người Ở Lại Charile về sự hy sinh của đại tá Nguyễn Đình Bảo cũng vây.
– Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đưa bé thơ
Tấm khăn sô
Người goá phụ cầu được sống trong mơ.


Trong các nhạc phẩm tiễn đưa người lính tử trận trên, hình ảnh những người mẹ, người vợ người yêu, người con của người lính đều được nhắc đến. Chỉ có vợ con và mẹ già của người lính là những người chịu đau thương nhất sau sự hy sinh của người lính, vì thế nỗi đau của họ được khắc hoạ vào nhạc phẩm làm cho người nghe càng thấy giá trị của những lính đã hy sinh.
Phạm Duy với ca khúc Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc như một bản trường ca, như cả một câu chuyện dài về người phi công Phạm Phú Quốc. Băt đầu từ lúc sinh ra người mẹ đặt tên cho đến lúc người phi công Phạm Phú Quốc lìa đời trong chiến trận. Ca từ lặp lại nhiều đến tê tái lòng người.
Chiều nao anh đi làm kiếp người hùng
Chiều nao, than ôi rụng cánh đại bàng
Chiều nao anh đi, anh về đất
Chiều nao anh đi về nước
Chiều nao huy hoàng
Bụi vàng bay khắp không gian


Cái đặc biệt của Phạm Duy là lồng cả câu chuyện cuộc đời người phi công Phạm Phú Quốc với cuộc nội chiến bi thương của dân tộc lúc đó, để đời sau khi nghe lại bản trường ca bi tráng này, hình dung được những khoảng thời gian nghiệt ngã của đất nước trong cảnh nội chiến tương tàn. Miêu tả tận cùng nỗi đau của thân nhân người lính hy sinh, nhưng không vì thế mà các nhạc phẩm trở thành bi luỵ, yếu đuối làm ảnh hưởng đến sự hy sinh cao cả của người đã khuất. Trong các nhạc phẩm ấy đều có những đoạn vinh danh, có những lời tiễn đưa an ủi khiến người ở lại thấy ấm lòng. Khiến cho vong linh của người đã khuất được nhẹ nhàng đi về bên kia cuộc đời.
Hãy lắng nghe những lời an ủi và tiễn đưa người lính tử trận của Trần Thiên Thanh, để thấy duy nhất trong lịch sử Việt Nam là có những nhạc phẩm tiễn đưa người lính rất đặc biệt như thế.
– Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con.
– Vâng, chính anh là ngôi sao mới, một lần chợt sáng trưng.
– Vòm trời Ngọc Bích đã thênh thang, lời mời gọi anh bước chân sang.
Và tiếp nữa là Phạm Duy với lời tiễn biệt như ghi công trạng người phi công Phạm Phú Quốc vào lịch sử.
Từ nay trong gió xa khơi 
Từ nay trong đám mây trôi 
Có hồn anh trong cõi lòng tôi.
Anh Quốc ơi!
Nghìn thu anh nhớ tới tôi
Thì xin cho Thái Dương soi
Nước Việt Nam ngời sáng… muôn đời.
Luồng cảm xúc tiếc thương người lính hy sinh trong nền âm nhạc của miền Nam lúc đó còn có cả Trịnh Công Sơn với nhạc phẩm Cho Một Người Nằm Xuống.
– Anh nằm xuống, sau một lần, vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà. 


Miền Bắc có hàng triệu người lính tử trận từ đó đến nay, từ cuộc chiến Nam Bắc 1954 đến cuộc chiến Tây Nam với Khơ Me Đỏ, rồi cuộc chiến biên giới phía Bắc. Nhưng chẳng có bài ca nào nhắc đến họ. Không có nhạc phẩm nào của miền Bắc nhắc đến tâm tư của họ cũng như nỗi niềm thân nhân ở lại. Nửa thế kỷ trôi qua, tuy chế độ của những người lính VNCH đã không còn hiện diện trên mảnh đất Việt Nam bởi thất trận. Nhưng trên khắp đất nước Việt Nam ngày nay, người ta vẫn còn nghe thấy những cái tên người lính của chế độ ấy đã hy sinh quả cảm thế nào, qua những nhạc phẩm đi vào lòng người từ thế hệ này sang thế hệ khác của Trần Thiện Thanh, Phạm Duy….
Miền Bắc thỉnh thoảng cũng có những bài hát về chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Kim Đồng theo kiểu tuyền truyền về những người hoạt động cách mạng, không phải là những người lính chết trận như Nguyễn Văn Đương, Phạm Phú Quốc, Lưu Kim Cương, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Đình Bảo, Trần Thế Vinh…
Theo Bùi Thanh Hiếu