Sunday, August 19, 2012

Từ " ẢO THUẬT GIA " thành " NHẠC SĨ BẢO THU "

http://cafevannghe.wordpress.com/






Ông là nhạc sĩ của những ca khúc quen thuộc với đông đảo quần chúng từ trước năm 1975 như “Ước vọng tương phùng”, “Giọng ca dĩ vãng”, “Đừng hỏi vì sao tôi buồn”. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là ảo thuật gia có tài. Dưới đây là tâm sự của ông.

- Tại sao từ ảo thuật gia Nguyễn Khuyến, ông lại trở thành nhạc sĩ Bảo Thu ?
- Con người tôi khá ôm đồm. Ngoài ảo thuật, tôi còn sáng tác nhạc, biên tập, dàn dựng, đạo diễn nhiều chương trình và phim video ca nhạc. Thậm chí cả lĩnh vực múa, kịch rối tôi cũng đã học ở Hà Lan năm 1971. Riêng âm nhạc, 8 tuổi tôi đã học đàn mandoline, 15 tuổi học guitar. Thấy một thằng Sơn Đông mãi võ nghèo xác xơ nhưng chú tâm học hỏi, thầy thương, miễn học phí rồi cho cả cây đàn. Năm 20 tuổi, tôi viết bản nhạc đầu tiên Ước vọng tương phùng, năm sau ra ấn phẩm đầu tiên là Đừng hỏi vì sao tôi buồn.

- Anh có thể nói về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Giọng ca dĩ vãng” ?
- Dạo đó, cô ấy sinh hoạt trong Ban văn nghệ thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Tôi thỉnh thoảng cũng đến tham gia sinh hoạt và phụ thầy Đức dạy nhạc cho nhóm. Rồi vì nhà ở gần nhau nên tôi thường đến nhà cô ấy dạy nhạc thêm. Tình cảm giữa hai đứa nảy sinh, nhưng chưa đi đến đâu thì cô ấy cho hay là gia đình đã đính hôn cho cô từ trước. Tôi bị sốc, bèn viết : “Ngày xưa, mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ, nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc… Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai”. Sau khi chia tay, chỉ 1-2 năm sau cô ấy trở thành ca sĩ nổi tiếng. Dẫu vậy, đến năm 1970 vẫn chưa thấy cô ấy lấy chồng.

   

- Thế còn bà xã anh hiện nay ?
- Cô ấy là ca sĩ Thanh Tâm. Thanh Tâm cũng là học trò của tôi trong những năm 1969-1970, nhưng đến năm 1973 thì trò hết hát, thầy hết dạy vì phải cùng… chuẩn bị cho đứa con đầu lòng.

- Công việc hiện nay của anh như thế nào ?
- Sản xuất, thực hiện các chương trình video cải lương. Đạo diễn các video clip ca nhạc… Bận rộn lắm. Tôi vừa đi vào vùng rốn lũ ở Tân Hồng, Đồng Tháp để làm phim ca nhạc.

Từ “tiếng hát học trò” đến Giọng ca dĩ vãng
Tôi gặp nhạc sĩ Bảo Thu vào một sáng trung tuần tháng 10/2011 ở hành lang Bích Câu trong Cung văn hóa Lao động. Lúc này, anh đang “cuốn gói” sau thời gian trưng bày gian hàng bán dụng cụ ảo thuật từ một hội chợ diễn ra ở đây.

Vậy là anh gắn bó với “nghiệp” ảo thuật đến gần 60 năm rồi. Bảo Thu kể năm 16 tuổi (1960), anh nổi tiếng trong làng ảo thuật với nghệ danh Nguyễn Khuyến (anh tên thật là Nguyễn Trung Khuyến). Chơi chung với anh là Tùng Phương – một nghệ sĩ đàn guitar, dạo mới 11 tuổi đã nổi tiếng là “thần đồng độc tấu Tây ban cầm”. Những lúc ngồi đợi đến lượt diễn, anh thường “nghịch ngợm” với đám nhạc cụ (trống, guitar…). Tiếng là nghịch nhưng thực ra anh đã chơi được mandolin và học nhạc lý căn bản từ hồi 8 tuổi, lại “học lóm” của Tùng Phương vài chiêu nên cũng không quá khó để xử lý mấy món “đồ chơi” này.

Thấy Khuyến có năng khiếu, nhạc sĩ Lâm Tuyền tỏ ý muốn dạy nhạc miễn phí cho cậu. Khuyến muốn học nhưng lại không có đàn, vậy là ông thầy bao luôn cây đàn cho học trò. Chẳng mấy chốc, Khuyến trở thành một nhạc công chuyên nghiệp, có thể “trám” vào bất cứ vị trí nào trong ban nhạc (guitar, trống, bass…). Hành trình âm nhạc của chàng trai sau này trở thành nhạc sĩ Bảo Thu bắt đầu từ đó.

Dạo ấy (khoảng 1965), ở Sài Gòn có nhiều nhạc sĩ mở lò đào tạo ca sĩ (nếu gọi là “trung tâm” thì lớn quá, gọi là “lớp” cũng không đúng, cho nên gọi “lò” là chính xác nhất). Với ban Việt Nhi, cả khi thu âm ở đài phát thanh hay tập dượt ở nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, hễ thiếu nhạc công là nhạc sĩ gọi Nguyễn Khuyến đến. Ban Việt Nhi gồm toàn những cô gái tuổi dậy thì (khoảng 14, 15 tuổi), hát rất hay và mắt liếc sắc như dao.

Có một cặp mắt trong ban Việt Nhi làm Nguyễn Khuyến xuyến xao. Nàng tên T., nhỏ hơn Khuyến 5 tuổi, dáng người thanh mảnh với đôi mắt to, long lanh. Mái tóc của T. luôn uốn cong cong như một vầng trăng khuyết, che lấp một phần má (sau này Khuyến mới biết, kiểu tóc đặc biệt này là để che một vết sẹo mà tạo hóa đã chơi “khăm” để lại trên má nàng)… Khi đã thân thiết, Khuyến mới biết nhà T. ở đường Tôn Đản (Q.4), gần nhà mình. Vậy là ngoài những buổi tập hát ở nhà thầy Nguyễn Đức, đôi bạn còn có dịp cận kề ở nhà của T. để “… Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh khẽ dìu theo tiếng em. Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc. Và rồi hờn yêu trong mỗi lần em hát sai. Em nũng nịu cười, nói : “Sai là tại anh !” (Giọng ca dĩ vãng).

Bảo Thu tâm sự : “Tôi trở thành nhạc sĩ chính là do T. tạo niềm cảm hứng. Tôi nhớ mãi một hôm nàng chợt bảo tôi : “Có khi nào anh hình dung rằng có một người con gái ngồi bên song cửa mơ màng và chợt nhớ đến anh”. 

   

Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và từ ý này tôi ôm đàn viết nhạc, đó là ca khúc đầu tay “Ước vọng tương phùng” ký bằng tên thật. Tưởng viết nhạc chơi cho vui, ai dè Ước vọng tương phùng được giải thưởng của đài phát thanh. Có hứng, tôi viết tiếp vài ca khúc nữa nhưng thú thực là không thành công. Lại một hôm, T. hỏi tôi : “Anh đã nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa ?”. Tôi trả lời mình còn nhỏ tuổi, lại chưa có công danh sự nghiệp gì nên cũng chưa nghĩ đến chuyện vợ con (lúc đó tôi mới 21 tuổi, còn T. 16). Chợt T. nói nhỏ cho tôi biết là gia đình em đã hứa hôn cho em với một người. Tôi biết nàng ngầm gợi một điều gì đó ở tôi nhưng tôi chẳng biết phải làm sao hơn ngoài sự hụt hẫng, buồn đến nao lòng… Thế là tôi viết : “Ngày nào mình chưa quen biết, ngỡ ngàng khi đứng bên nhau. Ngày nay đã mến nhau rồi, vẫn còn nhìn nhau không nói… Lần đầu gặp anh em hứa, chúng mình sẽ mãi bên nhau. Giờ đây đôi ngả chia lìa. Chớ hỏi vì sao tôi buồn…” (Đừng hỏi vì sao tôi buồn). Lần này tôi ký tên Bảo Thu. Nghệ danh này là do tôi “mượn” từ tên những cô bạn gái : Bích Bảo, Thanh Thu (Đà Lạt) và Xuân Thu (Sài Gòn)…”.

Rồi cũng đến lúc T. tách khỏi ban Việt Nhi để hát đơn ca. Nàng hay mặc áo dài trắng hát trên sân khấu nên được khán giả và giới báo chí thời đó mệnh danh là “Tiếng hát học trò”. Từ danh xưng này, Bảo Thu lại viết ca khúc Tôi yêu tiếng hát học trò để bày tỏ nỗi lòng. T. thừa biết tình cảm của Thu dành cho nàng. Tuy nhiên, với cốt cách gia giáo, T. vẫn giữ một khoảng cách chừng mực khi tiếp xúc với Thu.

Khoảng 3 năm sau, bạn bè trong giới văn nghệ kháo nhau “T. sắp lấy chồng”. Để tránh cho nàng khó xử, Thu không đến tập hát cho nàng nữa. Trong những cơn buồn thấm thía, ông viết Giọng ca dĩ vãng : “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai, hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi. Rồi em đành chối tiếng giao hòa, từ ly là tiếng thét đau lòng, sầu đưa lối… Lời ca ngày ấy đã xa rồi, mà ai còn chuốt mãi cung đàn, vọng về tim…”. Bài hát do Bảo Thu tự xuất bản (1967), bìa do một họa sĩ vẽ với người mẫu là ca sĩ Kim Loan. Lúc này hãng đĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới thành lập và lần đầu tiên ca sĩ Giao Linh được mời thu đĩa, Giao Linh đã chọn bài Giọng ca dĩ vãng. Trước Giao Linh cũng có nhiều ca sĩ hát Giọng ca dĩ vãng, trong đó có cả T. nhưng phải nói chính Giao Linh đã đẩy Giọng ca dĩ vãng lên đỉnh. Số lượng in ra lên đến 500.000 bản, mỗi bản bán 20 đồng. Tính ra trên 1.000 lượng vàng thu được từ tiền bán ấn phẩm ca khúc này. Sau đó, Bảo Thu viết tiếp ca khúc Vọng về tim nhưng không thành công cho lắm.

Nhạc sĩ Bảo Thu nhớ lại : “Sau năm 1975, tôi chưa một lần gặp lại T., nghe nói gia đình T. đã định cư ở Mỹ. Vừa rồi tháng 7/2011, Trung tâm Thúy Nga Paris có đến phỏng vấn tôi tại nhà, hỏi về trường hợp tôi viết ca khúc Giọng ca dĩ vãng. Tôi bảo chuyện này rất tế nhị, bởi tôi nói ra biết đâu lại gây tổn thương cho T. cũng như phương hại đến hạnh phúc gia đình T. Họ cho tôi biết chồng của T. đã qua đời. Tôi lại thấy hụt hẫng… Không hiểu sao, mỗi khi hát Giọng ca dĩ vãng, đến câu cuối “Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai”, tôi lại thấy có một cái gì đó xót xa cho những cặp tình nhân đã từng một thời quấn quýt nay phải rời xa”. (theo Hà Đình Nguyên)

  

ẢO THUẬT VIỆT VỀ ĐÂU ?

Muốn gắn bó với ảo thuật, người làm nghề phải tự thân vận động khi Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo chính quy, không có nơi biểu diễn ổn định. Hệ quả là sự nghèo nàn trong biểu diễn, tiết mục chắp vá, sao chép của nhau khiến bộ mặt ảo thuật Việt chưa rõ hình dạng.

Thiếu “sân chơi” đúng nghĩa
Họ đã sống tạm bợ nhờ diễn trong các chương trình “đại nhạc hội”, nhà hàng, quán bar, thậm chí các quán nhậu vỉa hè

Đến xem chương trình Gala ảo thuật 2012 được tổ chức tại Rạp Xiếc ở Công viên 23/9 ở Sài Gòn, nhiều khán giả đã xúc động trước lòng yêu nghề của các ảo thuật gia. Qua 4 suất diễn dưới sự hỗ trợ hết mình của Đoàn Xiếc, cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng là hội viên Hội Ảo thuật gia quốc tế – IBM (Intenational Brotherhood Magicians) đang hoạt động tại Sài Gòn và các tỉnh, thành trong cả nước đã được công chúng đón nhận. Dù lượng vé bán không nhiều nhưng đây là dịp hiếm hoi để các ảo thuật gia gắn bó với nghề quy tụ trên một sàn diễn.

Lên tiếng sau 14 năm
Với họ, dù gala này chưa phải là sân chơi đúng nghĩa để giới thiệu sự phát triển không ngừng của ảo thuật Việt nhưng “có còn hơn không, khi ảo thuật Việt im hơi, lặng tiếng suốt 14 năm qua” – nhà ảo thuật David Hùng bùi ngùi.

Còn với nhà ảo thuật Nguyễn Khuyến (nhạc sĩ Bảo Thu, thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 1 năm 2008), người cố vấn chương trình Gala ảo thuật 2012, cho biết : “Nhiều năm rồi, gần 60 nhà ảo thuật Việt có tên tuổi tại Việt Nam và được IBM công nhận mới có dịp tái ngộ khán giả Sài Gòn. Họ đã sống tạm bợ nhờ diễn trong các chương trình “đại nhạc hội”, nhà hàng, quán bar thậm chí diễn ở quán nhậu vỉa hè, khi ảo thuật còn bị xem là tiết mục phụ, chỉ để lấp khoảng trống cho các ca sĩ ngôi sao trong các chương trình văn nghệ. Những ai yêu nghề ảo thuật đều không khỏi chạnh lòng vì họ chưa có sân chơi đúng nghĩa để cống hiến hết tài năng của mình”.

Vào bên trong hậu trường Gala ảo thuật 2012 mới chứng kiến những hình ảnh xúc động của các ảo thuật gia. Ông bầu Duy Ngọc – người từng tổ chức nhiều chương trình ảo thuật xuyên Việt – nhạc sĩ Bảo Thu, nghệ sĩ Tòng Sơn đã nhiều năm rồi mới gặp lại các học trò, đàn em mà tuổi đời cũng đã ngoài 50. Và  từ sau Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 1-2008 tổ chức tại Hà Nội, đến nay họ mới có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Trong niềm vui mừng, có cả những giọt nước mắt ngậm ngùi, luyến tiếc. Bởi đã qua rồi cái thời ảo thuật được xem là tiết mục “đinh” của các đêm diễn.

Với họ, 8 suất diễn tại Sài Gòn (từ ngày 11 đến 20/5/2008 sẽ là bước đệm nhằm chuẩn bị tiến tới Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 2 – 2012 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 12/2012 tại thủ đô Hà Nội. “Tuy nhiên, điều chúng tôi cần chính là một sân chơi đúng nghĩa để anh em nghệ sĩ ảo thuật có nơi sinh hoạt, làm nghề, thi thố tài năng trước khi nói đến tranh tài tại liên hoan cấp quốc gia” – nhà ảo thuật Taylor (Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh – Bình Thuận) nói.
 
Vẫn làm những trò vặt
Tham gia gala lần này, sự có mặt của các ảo thuật gia: Kao Long, Hoàng Lang, David Hùng, Taylor, Thu Huyền, Ngọc Ánh… đã có những tiết mục biểu diễn cuốn hút người xem. Họ đều đã trải qua ít nhất 10 năm trong nghề, nên 2/3 tiết mục họ giới thiệu trong gala này là những tiết mục tự sáng chế, có tính độc đáo và tạo ấn tượng, như: người chui vào thùng đâm kiếm; nhiều thiếu nữ xuất hiện trong một chiếc tủ nhỏ; vải biến thành ô đủ màu sắc…

Thế nhưng, qua đôi mắt nhà nghề của ảo thuật gia Nguyễn Khuyến : “Tất cả đều là những trò cũ, được cấu trúc lại, thêm vài tiểu tiết để trình diễn. Vì lâu nay không có sân chơi chuyên nghiệp, anh em đều phải kiếm sống khắp nơi nên không thể đòi hỏi họ sáng tạo những tiết mục lớn do tiền đầu tư quá cao, lại không thể vận chuyển cơ động”.

Ảo thuật Việt từ thập niên 70 thế kỷ trước đã có những tên tuổi lừng lẫy, tạo được dấu ấn đối với khán giả trong và ngoài nước : Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, Nguyễn Đức Trường (tức Z27), Nguyễn Kim, Thanh Trúc, Ngọc Phước, Hoàng Biếu, Anh em Lê Hảo Tâm – Mạc Can (anh trai nghệ sĩ hài Mạc Can)… Nhưng đến nay, khi thế hệ vàng của ảo thuật sắp lui vào dĩ vãng, vẫn chưa có thế hệ tiếp nối và viễn cảnh của bộ môn nghệ thuật giải trí này xem ra còn quá mịt mờ.


   
 
 Vài hàng tiểu sử
Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, SN 1944 tại Sài Gòn (gốc Cần Thơ). Ông còn có những tác phẩm nổi tiếng khác như : Cho tôi được một lần, Đừng hỏi vì sao tôi buồn, Nếu xuân này vắng anh, Hoa sầu đông, Vọng cố nhân, Một lời cho em…

Ngoài sáng tác nhạc, ông còn là nhà ảo thuật nổi tiếng : Giáo sư đại biểu ảo thuật (1964), giám khảo Liên hoan Ảo thuật phía Nam  tại Sài Gòn(1977), giám khảo Liên hoan Ảo thuật toàn quốc – Hà Nội (2008), hội viên Hội Nghệ sĩ Ảo thuật Pháp, hội viên Liên đoàn Nghệ sĩ Ảo thuật quốc tế… Nhạc sĩ Bảo Thu hiện là Giám đốc Công ty văn hóa – văn nghệ ca và hát (Tôn Thất Thuyết, P15, Q4).

 .

No comments: