Tuesday, July 17, 2012

Không thể công khai các ca khúc bị cấm

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/500043/Khong-the-cong-khai-cac-ca-khuc-bi-cam.html

Tiếp tục câu chuyện về việc cấp phép ca khúc đang còn nhiều bất cập hiện nay (Tuổi Trẻ ngày 3-7), chúng tôi có cuộc trò chuyện với NSND Lê Ngọc Cường - nguyên cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.


Có 118 ca khúc trong tổng số 1.000 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy (thứ ba từ trái sang) được phổ biến sau bảy năm ông về nước định cư  - Ảnh: T.T.D.

* Thưa ông, trước đây Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đặt vấn đề về việc công khai danh sách các tác phẩm không được phép lưu hành tại VN không?
- Trước đây tôi đã làm việc với một đơn vị để xuất bản tập sách Những bài hát được phép lưu hành tại VN. Hồi đó cũng tính đến việc đưa các bài hát lên mạng để các bên liên quan tiện theo dõi. Họ nắm được bài hát nào cho phép phổ biến rồi thì đỡ phải xin phép trùng lặp. Để chuẩn bị cho quá trình đó, tôi đã cho các phòng ban lập hồ sơ tiểu sử từng tác giả một, số lượng tác phẩm của tác giả được cấp phép trong giai đoạn nào... Nhưng tôi đã về hưu, khoảng hai năm nay không ai làm nữa. Bây giờ không in cũng được mà đưa hết lên mạng, chỉ cần một vài động tác đơn giản thôi mà.
Thẩm định trên tinh thần tạo điều kiện

NSND Lê Ngọc Cường - Ảnh: Hà Hương
* Nhiều nhà sản xuất có nói đến danh mục những bài hát bị cấm của Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc này có không, thưa ông?
- Không có danh sách cấm mà chỉ có danh sách những tác phẩm được phép lưu hành, tức những bài hát trước kia cấm giờ cho phép rồi. Đến giờ hơn 1.000 bài của nhiều tác giả. 

* Với tư cách là một người nhiều năm làm về nghệ thuật biểu diễn, theo quan điểm của ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào với những tác phẩm bị cấm trước đây?
- Chuyện này do những giai đoạn lịch sử khác nhau quy định. Thời trước, những bài hơi có chút tình cảm ủy mị là liệt kê thành nhạc vàng hết. Còn bây giờ mình tạo điều kiện, chỉ trừ những bài có lời lẽ chống phá Nhà nước hay kích động bạo lực thôi. Cũng như cấp phép cho các ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại về nước ấy, chúng ta cấp phép nhiều chứ. Những sáng tác của Phạm Duy rất nhiều và đã được cấp phép nhiều lắm.

Từ năm 2005 (thời điểm nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương) đến nay, Phương Nam phim đã làm 16 đợt công văn xin phổ biến nhạc Phạm Duy (trong đó có rất nhiều bài phổ thơ) và đã được cấp 16 quyết định cho phép phổ biến. Tổng cộng 118 bài nhạc VN, 26 bài nhạc cổ điển, dân ca nước ngoài lời Việt của Phạm Duy đã được cấp phép.
Trung bình khi xét duyệt, mỗi đợt cấp 7-13 bài là tối đa (công văn thường xin từ 15 - 20 bài/ đợt, mỗi năm xin hai hoặc ba lần). Cũng theo Phương Nam phim, với các bài không được cấp phép biểu diễn, lưu hành (chẳng hạn: Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Thà là giọt mưa rớt trên tượng đá, Hạ hồng, Bên cầu biên giới...), đơn vị này cũng không rõ lý do tại sao không được.
Riêng có hai trường hợp được cấp rồi nhưng rút lại là: Trường ca Con đường cái quan và bài Còn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định).
Các cơ quan quản lý không thể nắm hết có tổng số bao nhiêu bài hát của các nhạc sĩ và cũng không cần nắm điều đó. Cái cần nắm là bao nhiêu bài hát được cấp phép và chịu trách nhiệm thẩm định nếu được xin phép. Cơ quan quản lý không có trách nhiệm đi thống kê. Vì có nhiều nhạc sĩ sáng tác nhưng rồi có phổ biến đâu mà biết. Việc thẩm định cũng trên tinh thần tạo điều kiện, trừ những bài nào mà ca từ có vấn đề sẽ được cân nhắc. Trong một số trường hợp, chúng tôi còn đề nghị nhà sản xuất điều đình với nhạc sĩ để thay đổi một vài câu chữ cho phù hợp hơn rồi cấp phép cho họ. Bây giờ mở cửa, sức đề kháng của người nghe cao lên thì có lý do gì mà không cấp phép.
 Công bố những ca khúc được cấp phép: thuận lợi  đôi đường

* Nhiều người rất mù mờ về việc bài hát nào không được phép lưu hành. Một số sở đề nghị nên công khai những bài hát bị cấm. Tại sao Cục Nghệ thuật biểu diễn trước đây cũng như bây giờ không công khai danh mục bài hát bị cấm?
- Không công khai được vì đâu biết có bao nhiêu bài hát. Chỉ những bài đã cấp phép rồi thì mình công bố để người ta biết. Có rất nhiều sở VH-TT&DL không biết được hết những bài được cấp rồi. Chỉ có TP.HCM còn nắm chắc, còn lại nhiều nơi rất mù mờ. Vì thế rất khó cho thanh tra, quản lý. Nếu xuất bản hoặc đưa hết lên mạng những bài đã được cấp phép thì sẽ thuận lợi cho người đi xin lẫn người cấp phép. Việc công khai sẽ bao gồm cả tiểu sử nhạc sĩ, tổng số ca khúc được phép lưu hành, tên bài hát, bản nhạc và lời. Đây cũng sẽ là thông tin rất quý vì không phải ai cũng biết.

* Trong những trường hợp chính cơ quan quản lý làm sai khi cấp phép lưu hành cho bài hát thì cơ quan quản lý sẽ bị chế tài và xử lý như thế nào?
- Làm sao mà sai được, có cả một hội đồng thẩm định cơ mà. Hơn nữa, cục trưởng là người đứng đầu phải đứng ra chịu trách nhiệm về việc đó. Thậm chí bài nào không được thì phải thông báo lại cho đơn vị xin phép. Ví dụ: ca từ bài này vô bổ, giá trị về mặt âm nhạc chưa cao... Phải trả lời rõ lý do chứ không phải không cấp là im lặng cắt của người ta đi đâu.
HÀ HƯƠNG thực hiện


Ông Phạm Đình Thắng
(phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn):
Đang đưa lên mạng tất cả ca khúc được phép phổ biến
Tôi xin khẳng định việc cấp phép diễn ra minh bạch, chứ không hề có việc gây khó dễ cho đơn vị xin cấp phép. Trừ một số bài hát có ca từ chống đối Đảng, Nhà nước, hoặc những nhạc sĩ đang có những hoạt động chống phá..., các tác giả còn lại được cấp phép rất dễ dàng. Sắp tới nghị định về nghệ thuật biểu diễn quy định từ khi cục nhận được công văn xin phép đến khi cấp phép là chỉ bảy ngày thôi. Cho nên không có vấn đề gây khó khăn trong việc phổ biến các ca khúc trước năm 1975. Tôi nhấn mạnh Cục Nghệ thuật biểu diễn không bao giờ có chủ trương gây khó khăn trong việc phổ biến các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, có nội dung tốt của bất kỳ tác giả nào.
Trường hợp cấp phép rồi thu hồi như album nhạc Tàu đêm năm cũ không phải là trường hợp đầu tiên. Những trường hợp trước là các đơn vị tổ chức tẩy xóa, sửa chữa một bài ca ngợi lính cộng hòa thành ca ngợi một nhân vật khác, tức nội dung bài hát bị bóp méo đi. Hội đồng thẩm định sau khi chịu trách nhiệm với nội dung đó thì Cục Nghệ thuật biểu diễn thẩm định và cho phép. Tuy nhiên, sau đó phát hiện những bài này bị bóp méo, tẩy xóa thì thu hồi.
Hiện nay, phòng quản lý của cục đã chuyển cho tạp chí Nghệ Thuật Biểu Diễn là đơn vị chịu trách nhiệm cập nhật trên mạng hơn 1.000 tác phẩm được cấp phép. Hiện nay họ mới cập nhật được 351. Trong tuần này, cục yêu cầu tạp chí phải cập nhật hết. Trong tuần này chắc chắn sẽ có trên mạng tất cả bài hát được phép phổ biến từ trước đến nay để toàn bộ các sở văn hóa, các tổ chức, cá nhân theo dõi để chủ động làm chương trình. Thông tin cập nhật ở website: cucnghethuatbieudien.gov.vn.



No comments: